Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra sâu rộng, hội nhập quốc tế không còn là khái niệm xa vời đối với giáo dục đại học Việt Nam. Tại Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Bình Dương (BETU), tinh thần hội nhập đã được hiện thực hóa rõ nét thông qua seminar học thuật chuyên đề “Hội nhập quốc tế và phát triển” do BETU phối hợp cùng Trường Đại học Ngô Quyền (Trường Sĩ quan Công binh) tổ chức vào sáng ngày 03-5-2025.
TS. Nguyễn Tường Dũng (giữa) tặng quà lưu niệm cho đại biểu tham dự
Seminar có sự tham dự của Thượng tá Trần Văn Lũ – Chính trị viên Tiểu đoàn 10 Trường Sĩ quan Công binh; Trung úy Trần Văn Nguyên – Cán bộ phòng Chính trị Trường Sĩ quan Công binh; TS. Nguyễn Tường Dũng – Phó Trưởng khoa Quản trị BETU, cùng các thầy cô là lãnh đạo khoa, phòng, trung tâm và đông đảo sinh viên đến từ ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia.
Sinh viên Campuchia chia sẻ tại chương trình
Tại phần chuyên đề trọng tâm, diễn giả ThS. Nguyễn Văn Quỳnh – Giảng viên khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Ngô Quyền đã mang đến góc nhìn học thuật sâu sắc về hội nhập quốc tế, trong đó, ông nhấn mạnh: “Hội nhập không chỉ là việc tham gia vào sân chơi toàn cầu mà là tiến trình học hỏi, chuyển hóa nội lực để thích ứng và phát triển”.
Sinh viên Lào và Campuchia trong một tiết mục văn nghệ giao lưu
Sự kiện seminar học thuật chuyên đề “Hội nhập quốc tế và phát triển” nằm trong chuỗi các hoạt động chiến lược nhằm thúc đẩy mô hình giáo dục khai phóng kết hợp ứng dụng tại BETU. Không chỉ trang bị kiến thức chuyên ngành, Nhà trường còn chú trọng rèn luyện kỹ năng xã hội, nâng cao nhận thức chính trị, xã hội và năng lực thích ứng trong môi trường đa văn hóa.
Chụp ảnh lưu niệm tại chương trình "Hội nhập quốc tế và phát triển"
Thông qua cơ hội giao lưu trực tiếp với sinh viên quốc tế, sinh viên BETU được rèn luyện thái độ tôn trọng khác biệt, từ đó hình thành tư duy đa chiều, nền tảng không thể thiếu để bước vào kỷ nguyên toàn cầu hóa. Đây cũng là một hướng tiếp cận giúp nhà trường thể hiện vai trò đồng hành cùng Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 của Chính phủ.
Mỹ Tiên - Công Bắc